"Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ"
Bác Hồ - vị cha già kính yêu của dân tộc ta đã đi xa nhưng tình cảm của Bác để lại cho nhân dân ta thật lớn lao. Cả cuộc đời Bác dành tình cảm cho dân, cho nước, đặc biệt cho các cháu thiếu nhi.
Để kỉ niệm 130 năm ngày sinh nhật Bác. Hôm nay Thư viện nhà trường sẽ giới thiệu tới các bạn cuốn sách “Về chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh” do Nhà xuất bản Khoa học xã hội tuyển chọn và xuất bản năm 2008. Với 143 trang, khổ 14,5 x 16 (cm), có số ĐKCB là STKC - 00100. Nhằm giúp bạn đọc có dịp hiểu thêm về tình cảm thương yêu vô hạn của Bác Hồ dành cho các em thiếu niên nhi đồng.

Cuốn sách Về chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh NXB Chính trị quốc gia, 2008 của Thành Duy đã tập trung nghiên cứu sáu vấn đề trong sáu chương. Ðó là các vấn đề: Về khái niệm con người, bản chất con người, về chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh (Chương I);Về nguồn gốc hình thành chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh (Chương II);Từ chủ nghĩa nhân văn mác-xít đến chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh(Chương III); Những đặc điểm và nội dung cơ bản của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh (Chương IV); Bản chất chủ nghĩa nhân văn trong sáng tác của Hồ Chí Minh (Chương V); Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh trong tương lai của dân tộc và nhân loại (Chương VI).
Ở Chương I, bàn về con người, về chủ nghĩa nhân văn.
Với khẩu hiệu Tự do, Bình đẳng, Bác ái, giai cấp tư sản đã phất cao ngọn cờ nhân văn hay nhân đạo để thu hút sức mạnh của đông đảo quần chúng chống lại giới chủ nô và chế độ phong kiến, hình thành một quan niệm mới về chủ nghĩa nhân văn gắn với việc giải thoát con người khỏi chế độ nô lệ, khỏi sự bóc lột tàn bạo của bọn chủ nô và quan lại phong kiến.
Tác giả đã giới thiệu về nguồn gốc, xác định được vấn đề hình thành chủ nghĩa nhân văn mác-xít, rồi từ chủ nghĩa nhân văn truyền thống và chủ nghĩa nhân văn mác-xít, cuốn sách đề cập chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh ra đời gắn liền với thời đại đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc. Dĩ nhiên cuốn sách không thể triển khai vấn đề thật đầy đủ, nhưng một sự phác thảo sơ bộ cũng cho thấy được sự nhận thức, một hướng nghiên cứu đúng đắn.
Ở Chương II, bàn về nguồn gốc hình thành chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, tác giả đã cho thấy chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh không phải do cái không mà thành. Nó có nguồn gốc, và là nguồn gốc hợp lý. Phải có chủ nghĩa nhân văn truyền thống mới hình thành chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh. Ở chương này, tác giả đã cho thấy rõ quan điểm thân dân và nhân nghĩa tiến bộ trong truyền thống văn hóa Ðại Việt thời Nguyễn Trãi đã được Hồ Chí Minh tiếp thu và phát triển thành chủ nghĩa yêu nước trong thời đại cách mạng vô sản ở nước ta như thế nào. Với Hồ Chí Minh, yêu nước gắn liền với chiến đấu bảo vệ đất nước, chống xâm lược. Người có tư tưởng yêu nước, thương nòi là người có đạo đức. Do đó, tư tưởng yêu nước Hồ Chí Minh luôn có hai mặt gắn liền với nhau: Yêu nước, bảo vệ Tổ quốc và Thương dân, vì dân. Hai mặt ấy có thể xem là nội dung cơ bản, xuyên suốt trong tư tưởng đạo đức và chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh. Tiếp thu những giá trị nhân văn, đồng thời nâng cao truyền thống nhân ái, nhân nghĩa ấy, Hồ Chí Minh đã đem đến cho truyền thống nhân ái, nhân nghĩa một nội hàm mới, một triết lý văn hóa phù hợp với thời đại lấy độc lập dân tộc làm cốt lõi, lấy nhân nghĩa làm rường cột, lấy đoàn kết và tinh thần đồng loại làm phương châm hành động.
Chương III là một chương trọng tâm. Thành Duy đã có nhiều công phu đầu tư nghiên cứu. Tác giả muốn đi từ chủ nghĩa nhân văn mác-xít đến chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh. Lâu nay ta thường nhất trí cái điều dễ dàng nhất trí là Hồ Chí Minh đã học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào hoàn cảnh Việt Nam. Nhưng vận dụng như thế nào, và vận dụng sáng tạo thì cũng chưa được đề cập một cách thật rõ ràng, sâu sắc, có sức thuyết phục. Thành Duy viết: "Về nguyên tắc Hồ Chí Minh hoàn toàn thống nhất với chủ nghĩa Mác - Lê-nin về việc xây dựng một xã hội mới xã hội chủ nghĩa, thật sự nhân bản, mang lại tự do, hạnh phúc cho con người, nhưng về phương pháp cách mạng để đi đến mục tiêu đó, Hồ Chí Minh khác với các nhà kinh điển, do điều kiện khách quan và chủ quan của cách mạng Việt Nam" (trang 138).
Ở Chương IV, tác giả bàn đến những đặc điểm và nội dung cơ bản của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh. Tôi đặc biệt chú ý đến những ý kiến của nhiều tác giả nước ngoài mà Thành Duy đã sưu tầm được. Ý kiến của Tiến sĩ M.Át-mét, Giám đốc UNESCO cho rằng: "Hồ Chí Minh là một hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi Trái đất này" (trang 288).
Ở Chương V, cuốn sách đề cập bản chất chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh trong sáng tác của Người. Cả chương này đều được nghiên cứu công phu, có những tìm tòi mới, đặc biệt nói về chủ nghĩa nhân văn trong các sáng tác về thơ của Hồ Chí Minh. Tác giả cuốn sách nhận định: "Cũng chính vì vậy, các sáng tác của Hồ Chí Minh, ở bất cứ thể loại nào cũng là sản phẩm của hoạt động cách mạng, vì thế nó chân thực, là cái đẹp tự nhiên, là cuộc đời, gắn liền với con người ở mọi hoàn cảnh và thể hiện tư tưởng nhân văn một cách tự nhiên và sâu sắc" (trang 225).
Ở Chương VI, bàn về chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh trong tương lai của dân tộc và nhân loại, tác giả đã đề cập đến chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh trong lòng dân tộc ta, ý nghĩa quốc tế và giá trị nhân loại của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.
Trong phần kết luận công trình nghiên cứu Về chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, tác giả đã trình bày về quá trình mang tính quy luật để có thể trở thành hiện thực một chủ nghĩa nhân văn mới như chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh. Ðó là "sống, chiến đấu, lao động và học tập" noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ðó là thực hiện phép biện chứng của một quy luật muôn đời, đòi hỏi mỗi chúng ta cần có nhận thức sâu sắc mới thấy hết tầm cỡ vĩ đại của một tâm hồn bất tử, một chủ nghĩa nhân văn sống động, mới mẻ như chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh. Ðó còn là ý thức cho được một triết lý sống có tầm cỡ thời đại như chủ nghĩa nhân văn mác-xít mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nối. Song, điều quan trọng hơn cả là ở hành động thực hiện cho được cái triết lý sống động ấy nhằm xây dựng một nền văn minh mới, cũng có thể gọi là văn minh xã hội chủ nghĩa nối tiếp và thay thế nền văn minh tư bản chủ nghĩa đã tỏ ra không còn phù hợp với thời đại mới.
Mời các bạn đón đọc!